Cây mai vàng sau tết sẽ bị mất sức nên cần phải bón phân ngay để phục hồi lại sức khẻo cho cây. Vậy quy trình bón phân cho mai vàng sau tết như thế nào để đạt hiệu quả cao? Thì bài viết sau đây chúng tôi sẽ chia sẻ cách chăm sóc và bón phân cho cây mai vàng sau tết, các bạn có thể tham khảo như sau.
Cách chăm sóc cho cây mai vàng sau tết
Sau tết, các bạn nên đem chậu mai vàng đến nơi có ánh sáng và thoáng mát trong khoảng tầm 3-5 ngày, tránh để chậu mai chỗ ánh nắng trực tiếp vì có thể làm lá mai bị héo, cháy lá, khô cành và có thể dẫn đến chết cành.
Tiếp theo, tỉa hết hoa và trái còn sót trên cây mai, chỉ giữ lại lá non và loại bỏ những cành cây mai quá dài hoặc cành bị nhiễm sâu bệnh, cắt ngắn tầm 30% các cành để đưa ra bên ngoài.
Sau khi tỉa cành lá mai xong thì vệ sinh cây mai, rửa sạch rêu mốc rồi thay đất cho cây mai. Các bạn có thể sử dụng đất sạch hữu cơ chuyên dùng cho cây cảnh để thuận tiện hơn.
Khi thay đất cho cây mai vàng trong chậu, các bạn chỉ cần cho đất sạch vào khoảng một nửa chậu, sau đó đặt cây mai vàng vào chậu, chỉnh sửa theo hướng các bạn mong muốn, tiếp đến cho hết phần đất còn lại vào cho đầy miệng chậu.
Thay đất cho cây xong, thì đem cây đặt ở nơi bóng mát khoảng 1-2 ngày. Sử dụng thêm dùng thuốc kích rễ mai hoa vàng như N3M, Vitamin B1, Org Hum,… với mục đích kích thích cho cây mai ra rễ.
Khi cây mai có nhiều lá non, thời tiết nắng ấm là điều kiện để sâu bệnh phát triển mạnh, do đó cần phun phòng bằng Stun, Ortus, … Ngoài ra, các bạn cần phun phòng nấm bệnh cho cây mai vàng bằng các loại thuốc như Anvil, Ridomil Gold, Aliette,…
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của giống mai quyền bảo trang.
Cách bón phân lót cho cây mai vàng sau tết
Các bạn nên bón phân lót cho cây mai vàng bằng các loại phân hữu cơ để cho đất trồng thêm tơi xốp. Các loại phân hữu cơ các bạn có thể sử dụng như:
- Phân bò khô: Loại phân hữu cơ này rất tốt nhưng lại sinh ra nhiều cỏ.
- Phân rơm cũng rất tốt nhưng khi bón thì sẽ phân hủy nhanh và giữ nhiều nước.
- Phân bánh dầu miếng: Vừa rẻ lại vừa tiện lợi, bền lâu cho người sử dụng. Sau tết các bạn chỉ cần bẻ bánh dầu ra từng miếng. Sau đó, nhét sâu xuống sát vành chậu, xa gốc cây mai mỗi gốc cỡ từ 100-200gam tùy theo chậu lớn hay nhỏ và cho thêm một ít thuốc trừ sâu rầy hoặc thuốc trừ kiến là được.
- Phân Dynamic Lifter: Thuộc loại phân hữu cơ đậm đặc của Úc, nên giá hơi đắt. Phân bón này có thể được diệt hết mầm cỏ nên khi bón sẽ không mọc cỏ.
Cách bón thúc cho cây mai vàng
Các bạn có thể bón thúc thêm cho cây mai vàng bằng phân hóa học để thêm hiệu quả. Các loại phân hóa học có thể sử dụng như:
- Phân bón NPK 30-10-10: Tỷ lệ đạm (N) cao, giúp cây tăng trưởng nhanh. Sau tết nên bón phân hữu cơ cùng các phân hóa học để cây mai mau phục hồi, phát triển đâm chồi nhảy tược.
- Phân bón NPK 15-30-15, loại 6-30-30 là loại phân có tỷ lệ Lân (P) và Kali (K) cao, có tác dụng kích thích cho cây mai vàng ra nhiều nụ hoa mai.
- Phân bón NPK 10-50-10: Dùng để kích thích hoa ra nhiều. Gần đến tết, khoảng tháng 9-10 âm lịch, các bạn chỉ cần bón thúc thêm các loại phân hóa học NPK để cho cây mai ra nhiều hoa, hoa to, màu sắc đẹp và lâu tàn.
Bón phân qua lá cho cây mai vàng
Ngoài ra, các bạn có thể bón phân qua lá cho cây mai bằng các loại phân hòa tan trong nước và tưới phun lên lá. Có thể sử dụng một số loại phân bón qua lá như sau:
- Phân bón lá Komix, Mymix: Có tác dụng làm tế bào lớn đều, làm cây mai sinh trưởng nhanh.
- Phân bón lá Atonik: Có tác dụng giúp cây mai phát triển nhanh, làm tăng năng suất cây trồng.
Tùy điều kiện mà có thể bón lót phân hữu cơ cho cây mai sau tết và gần đến tết năm sau thì bón thúc thêm phân hóa học để cây ra hoa nhiều hơn.
Trên đây là quy trình kỹ thuật bón phân cho cây mai sau tết được chúng tôi tìm hiểu từ những vườn mai giống lâu năm chia sẻ. Chúc bạn thành công.